Khoản 1 Điều 64 Luật cư trú quy định : “Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân”.
Như vậy, có thể hiểu sổ hộ khẩu là phương thức để cơ quan nhà nước quản lý nhân khẩu trong các hộ gia đình. Thông qua sổ hộ khẩu để xác định nơi cư trú hợp pháp của công dân, cụ thể là nơi thường trú của công dân để quản lý việc cư trú của công dân tại từng địa điểm cụ thể. Bên cạnh đó, sổ hộ khẩu còn có vai trò xác định thẩm quyền giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến cá nhân công dân.
Sau khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thì không còn khái niệm cụ thể về sổ hộ khẩu. Đến hết ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu giấy sẽ không còn được sử dụng để xác định thông tin cư trú nhân thân của công dân mà thay vào đó sẽ quản lý cư trú, quản lý dân cư trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, sổ hộ khẩu vẫn được sử dụng trong một số thủ tục hành chính nên các thông tin liên quan đến sổ hộ khẩu vẫn được nhiều người quan tâm, trong đó có vấn đề làm sổ hộ khẩu giả.
Dịch vụ làm sổ hộ khẩu giả
Hiện nay có rất nhiều dịch vụ làm giả sổ hộ khẩu nhanh gọn, đơn giản được quảng cáo trên các trang mạng thông tin. Vậy sổ hộ khẩu được làm giả như thế nào?
Sổ hộ khẩu giả được làm dựa trên các thông tin, nội dung từ phôi gốc với công nghệ và máy móc tinh vi để in ấn. Bởi vậy, sổ hộ khẩu giả được làm khá giống thật và khó phân biệt được nếu bạn không phải là chuyên gia. Dịch vụ làm sổ hộ khẩu giả là để phục vụ mục đích tư lợi của một số người khi làm các thủ tục hành chính.
Làm sổ hộ khẩu giả giá bao nhiêu?
Hiện nay, dịch vụ làm giả sổ hộ khẩu được công khai giá trên các website với mức giá trong khoảng từ 5.000.000 - 8.000.000 đồng với những cam kết như thời gian hoàn thành nhanh trong vòng 1 ngày, đảm bảo giống 99.99% so với bản gốc, giao hàng tận nhà…
Làm sổ hộ khẩu giả bị xử lý như thế nào? Có bị phạt tù không?
Khoản 4, Khoản 5 Điều 9 Nghị định 144/2001/NĐ-CP quy định vi phạm về đăng ký và quản lý cư trú như sau :
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
b) Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
c) Làm giả, sử dụng sổ hộ khẩu giả, sổ tạm trú giả để đăng ký thường trú, tạm trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
d) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 09 người lưu trú trở lên;
đ) Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật;
e) Cản trở, không chấp hành việc kiểm tra thường trú, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và h khoản 2, các điểm b và c khoản 4 Điều này.
Điểm c, Khoản 4, Điều 9 Nghị định 144/2001/NĐ-CP quy định mức phạt tiền
“4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
c) Làm giả, sử dụng sổ hộ khẩu giả, sổ tạm trú giả để đăng ký thường trú, tạm trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
…”
Như vậy, hành vi làm sổ hộ khẩu bị phát hiện sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng.
Mặt khác, làm hộ khẩu giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể :
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Có thể thấy, việc làm sổ hộ khẩu giả có thể bị xử phạt hành chính từ 4 - 6 triệu đồng, nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt tù cao nhất là 07 năm.
Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước đã và đang áp dụng sổ hộ khẩu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dần dần thay thế sổ hộ khẩu giấy nên hạn chế được tình trạng làm giả loại giấy tờ này.